Làm sao để biết công ty có đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên?

396

Đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên là một trong những phúc lợi quan trọng mà một công ty cần phải làm. Bằng cách đó, công ty đảm bảo được quyền lợi của nhân viên và giúp họ an tâm hơn trước những rủi ro về tài chính, sức khỏe không lường trước.

Tuy nhiên, không phải công ty nào cũng đáp ứng được yêu cầu này. Làm sao để biết công ty có đóng bảo hiểm cho nhân viên hay không? Hãy đọc bài viết này để được giải đáp chi tiết nhé!

Bảo hiểm xã hội là gì?

Bảo hiểm xã hội (BHXH) được định nghĩa rõ tại Khoản 1 Điều 3 trong Luật BHXH năm 2014 như sau:

  • “Bảo hiểm xã hội được ban hành bởi Nhà nước nhằm mục đích bù đắp hoặc thay thế một phần thu nhập của người lao động khi ốm đau, tai nạn, thất nghiệp, nghỉ hưu hoặc tử vong… dựa trên cơ sở đóng vào quỹ BHXH”.

Hiện nay, BHXH được phân thành 2 loại sau:

1. Bảo hiểm xã hội tự nguyện

Loại hình bảo hiểm này gồm 2 chế độ chính là hưu trí và tử tuất. Người tham gia có thể tùy chọn phương thức đóng và mức phí đóng theo nhu cầu của mình.

>> Bài viết liên quan: Bảo hiểm xã hội tự nguyện là gì? Chế độ và quyền lợi của người tham gia (bài 13)

2. Bảo hiểm xã hội bắt buộc

Là loại hình bảo hiểm bắt buộc người sử dụng lao động và người lao động phải tham gia. Theo đó, những đối tượng nằm trong quy định phải tham gia BHXH bắt buộc gồm:

  • Doanh nghiệp thuê, mướn và sử dụng lao động theo hợp đồng lao động.
  • Người quản lý điều hành hợp tác xã; người quản lý doanh nghiệp có hưởng tiền lương.
  • Người làm việc theo hợp đồng theo mùa vụ, hợp đồng không xác định thời hạn hoặc làm một công việc từ đủ 03 tháng – 12 tháng.
  • Người làm việc theo hợp đồng có thời hạn từ đủ 01 tháng – dưới 03 tháng.
  • Người làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định của Luật người lao động Việt Nam.
BHXH bắt buộc người sử dụng lao động và người lao động phải tham gia theo quy định của nhà nước

Tầm quan trọng của bảo hiểm xã hội đối với người lao động

Nhìn chung, BHXH mang lại nhiều lợi ích to lớn cho người tham gia và xã hội như sau:

  • Hỗ trợ cho người lao động khi ốm đau, bệnh tật, thất nghiệp, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp…
  • Với nguồn hưu trí hàng tháng, góp phần ổn định cuộc sống của người lao động khi không còn khả năng lao động hoặc hết tuổi lao động.
  • Đảm bảo sự bình đẳng về vị thế xã hội của người lao động trong mọi thành phần kinh tế để thúc đẩy sản xuất phát triển.
  • Nhà nước có thể phân phối mức thu nhập quốc dân công bằng và hợp lý giữa các tầng lớp dân cư. BHXH còn góp phần giảm thiểu chi cho ngân sách nhà nước và đảm bảo an sinh xã hội bền vững.

Làm sao để biết công ty có đóng bảo hiểm xã hội cho mình?

Để biết công ty có đóng Bảo hiểm xã hội (BHXH) cho mình hay không, bạn có thể thực hiện theo 2 cách sau:

Cách 1: Kiểm tra thông tin trên trang web BHXH Việt Nam

Đầu tiên, bạn phải đăng ký số điện thoại liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội và thực hiện theo 4 bước sau:

  • Bước 1: Truy cập vào link https://baohiemxahoi.gov.vn/tracuu/Pages/tra-cuu-dong-bao-hiem.aspx => nhấp vào phần “Tra cứu quá trình tham gia BHXH“.
  • Bước 2: Nhập đầy đủ thông tin của người lao động => tích chọn “Tôi không phải là người máy” => Bấm vào để lấy mã tra cứu.
  • Bước 3: Nhập mã OTP được gửi về => bấm vào “Tra cứu“.
  • Bước 4: Hệ thống sẽ trả kết quả đầy đủ, bao gồm cập nhật thời gian đóng BHXH gần nhất mà công ty đang đóng cho bạn. Đồng thời, hệ thống cũng hiển thị đầy đủ số tháng mà công ty nợ đóng cho người lao động.
Tra cứu quá trình đóng BHXH bắt buộc dễ dàng trên trang web Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam

Cách 2: Kiểm tra thông tin trên ứng dụng VssID

Để kiểm tra thông tin đóng BHXH trên ứng dụng VssID, bạn phải có tài khoản đăng ký và mật khẩu do cơ quan bảo hiểm xã hội cấp.

  • Bước 1: Đăng nhập vào tài khoản VssID của bạn.
  • Bước 2: Chọn “Quá trình tham gia“.
  • Bước 3: Tại đây, bạn có thể xem đầy đủ quá trình đóng BHXH của mình. Tương tự như cách 1, hệ thống cũng hiển thị số tháng mà công ty nợ đóng tại phần “Thông tin tham gia BHXH của người lao động“.

Trên đây là hướng dẫn chi tiết về cách kiểm tra công ty có đóng bảo hiểm xã hội hay không. Điều này giúp cho nhân viên yên tâm hơn về quyền lợi của mình trong suốt thời gian làm việc. Mặc dù việc kiểm tra có thể mất một chút thời gian và công sức, nhưng điều đó hoàn toàn đáng giá so với việc bảo đảm quyền lợi của bạn.

Hãy nhớ rằng đóng bảo hiểm xã hội là một trách nhiệm của cả người lao động và nhà tuyển dụng. Tham gia BHXH không chỉ giúp người lao động an tâm trước những rủi ro không lường trước về tài chính và sức khỏe mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của xã hội.

Hãy tiếp tục theo dõi những bài viết tiếp theo của Prudential để cập nhật thêm kiến thức và thông tin hữu ích nhé!

Các câu hỏi liên quan đến đóng bảo hiểm xã hội

1. Trường hợp công ty không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động sẽ bị xử phạt như thế nào?

Nếu công ty không đóng BHXH đầy đủ cho người lao động từ 30 ngày trở lên thì phải đóng đủ số tiền này. Trường hợp công ty chậm đóng sẽ nộp thêm số tiền lãi gấp 02 lần mức lãi suất đầu tư quỹ BHXH bình quân của năm trước dựa trên số tiền và thời gian chậm đóng.

2. Khi tham gia BHXH bắt buộc thì người lao động phải đóng mức bao nhiêu?

Theo quy định 959/QĐ-BHXH, mức đóng bảo hiểm xã hội cụ thể như sau:

  • Mức đóng BHXH là 26%: Người lao động đóng 8% và công ty đóng 18%, bao gồm: 14% vào quỹ hưu trí, 3% 3% vào quỹ ốm đau và thai sản và 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
  • Mức đóng bảo hiểm y tế 4,5%: Người lao động đóng 1,5% và công ty đóng 3%.
  • Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp 2%: Người lao động đóng 1% và công ty đóng 1%

Tổng số tiền mà người lao động phải đóng khi tham gia bảo xã hội bắt buộc là 10,5% và công ty là 22%. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ đóng thêm kinh phí công đoàn 2%. Nếu người lao động muốn tham gia tổ chức công đoàn thì đóng 1% đoàn phí.

3. Người lao động nên làm gì khi phát hiện công ty không đóng bảo hiểm?

Trường hợp người lao động phát hiện công ty không đóng BHXH bắt buộc theo quy định, thì hãy áp dụng theo hướng dẫn sau để đòi lại quyền lợi chính đáng cho bản thân:

Bước 1: Liên hệ với bộ phận phụ trách của công ty

Đầu tiên, bạn nên trao đổi trực tiếp với bộ phận nhân sự hoặc người quản lý để làm rõ vấn đề: có sai sót hay không đóng BHXH.

Bước 2: Thực hiện khiếu nại

Trường hợp công ty cố tình không đóng bảo hiểm, bạn có quyền khiếu nại hoặc tố cáo đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và xã hội nơi công ty đặt trụ sở chính.

Sau khi xác minh vụ việc, nếu phát hiện công ty có vi phạm – sẽ bị xử phạt về lỗi chậm đóng bảo hiểm hoặc lỗi đóng bảo hiểm không đủ số người thuộc diện tham gia.

Theo đó, doanh nghiệp sẽ đóng mức phạt hành chính từ 12% – 15% tổng số tiền phải đóng tại thời điểm lập biên bản, nhưng không vượt quá 75 triệu đồng – theo quy định tại Khoản 5 Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP.

Đồng thời, doanh nghiệp phải đóng đầy đủ số tiền BHXH cho người lao động và thêm số tiền lãi chậm nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật nếu không đóng đủ tiền BHXH cho người lao động

Bước 3: Khởi kiện (Nếu cần)

Trường hợp xảy ra tranh chấp giữa 2 bên liên quan đến đóng BHXH thì người lao động có thể trực tiếp khởi kiện đến Tòa án nhân dân cấp huyện để yêu cầu doanh nghiệp đóng bù số tiền bảo hiểm – theo Khoản 1 Điều 188 Bộ luật Lao động năm 2019.